Theo thông tin của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 1.082 cơ sở có biển quảng cáo không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Từ năm 2006 đến nay, có 57 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản xảy ra ở nhóm này. Những cơ sở trên có nhiều nguy cơ dẫn đến cháy, nổ cũng như không bảo đảm an toàn cho công tác thoát nạn khi có hỏa hoạn xảy ra... Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ có thể kiến nghị, hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định về an toàn PCCC chứ không thể xử phạt hay áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ, đủ sức răn đe để bắt buộc cơ sở phải thực hiện các giải pháp an toàn PCCC theo quy định. Điều này vô tình tiếp tay cho những chủ cơ sở thiếu ý thức, coi thường công tác PCCC và đã dẫn đến không ít hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, việc quy hoạch quảng cáo chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo Luật Quảng cáo nên nguy cơ mất an toàn ngày càng cao.
Vụ cháy cửa hàng bếp điện từ trên đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú xảy ra cách đây không lâu khiến 4 người thiệt mạng là ví dụ điển hình. Nguyên nhân một phần do phía trước và hai bên ban công tầng 1 bị biển hiệu quảng cáo chắn kín, cản trở công tác cứu nạn. Vậy mà vụ việc này vẫn chưa đủ sức răn đe, chủ cửa hàng lại tiếp tục dựng bảng hiệu kiên cố. Theo quan sát của chúng tôi, bảng hiệu mới bằng hợp kim nhôm, chiều cao ước chừng hơn 3m, có khung thép bắt cố định vào công trình. Theo Điều 34, Luật Quảng cáo năm 2012, bảng hiệu trên vượt chuẩn quy định. Nếu cháy, nổ xảy ra, lối thoát hiểm duy nhất là mặt trước căn nhà lại tiếp tục bị cản trở.
Trong đợt cao điểm thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về xử lý, chấn chỉnh các hành vi vi phạm quảng cáo và bảng hiệu che kín mặt tiền năm 2016, đoàn liên ngành của thành phố kiểm tra 3.885 cơ sở thì có hơn 64% cơ sở vi phạm bị buộc phải tháo dỡ. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng ra quân, chỉ khoảng 16% số cơ sở chấp hành. Số còn lại tìm cách đối phó, "lách luật" hết sức tinh vi. Ông Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận 10 cho biết: "Hiện có nhiều hình thức đối phó của các chủ biển quảng cáo. Hàng loạt bảng hiệu ốp vào mặt tiền các cơ sở kinh doanh trên đường 3/2, quận 10 đã được chỉnh sửa nội dung quảng cáo trên phần kích thước sai phạm bằng cách: Tháo gỡ chữ, xóa hình ảnh, trang trí họa tiết... Khi không còn nội dung quảng cáo thì thẩm quyền xử lý lại không thuộc ngành văn hóa. Nếu khi người dân mới triển khai công trình, Sở Xây dựng chỉ đạo thanh tra xây dựng kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời thì tình hình đỡ phức tạp hơn".
Ở quận Bình Thạnh, dù đã xử phạt hành chính, nhắc nhở nhiều lần, nhưng tình trạng chây ỳ, chống chế đang làm đau đầu cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Văn Quý, Chánh Văn phòng HĐND, UBND quận Bình Thạnh cho biết: "Quá trình thực hiện, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chủ biển quảng cáo tìm cách trì hoãn. Thực tế là một bảng hiệu hay bảng quảng cáo có diện tích từ 10m2 trở lên, vật liệu kiên cố phải mất ít nhất 2-3 ngày, thậm chí cả tuần mới dựng xong. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà hàng nghìn bảng hiệu sai quy chuẩn vẫn được thi công và tồn tại".
Để có câu trả lời, chúng tôi tìm đến khu phố chuyên thi công bảng hiệu quảng cáo trên đường Lý Thái Tổ, quận 10. Theo một chủ cơ sở làm bảng hiệu quảng cáo thì quy định chỉ cho phép chiều cao bảng quảng cáo không quá 2m. Nhưng cơ sở đã “làm luật” với một số cán bộ đô thị để họ bỏ qua. Bằng chứng là nhiều công trình biển hiệu phủ kín 5-6 tầng nhà đã được thi công êm đẹp mà không bị tổ trật tự, thanh tra đô thị "hỏi thăm". Không chỉ sai về kích thước, vi phạm các điều kiện an toàn PCCC, tình trạng bảng hiệu vi phạm an toàn hành lang lưới điện cũng diễn biến phức tạp. Theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về an toàn điện thì hành lang bảo vệ an toàn các cáp điện treo trên không được giới hạn về các phía tối thiểu 0,5m tính từ mặt ngoài của sợi cáp ngoài cùng. Bên cạnh đó, theo quy định thì khi muốn lắp đặt bảng hiệu ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện, phải có văn bản thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện. Thế nhưng thực tế hầu hết bảng hiệu tại TP Hồ Chí Minh được lắp sát với hệ thống cáp điện. Thậm chí bảng hiệu bao quanh cả bó dây cáp mà không có bất cứ thỏa thuận nào.
Quan sát quán bar ở số 654 đường Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình, đằng sau bảng quảng cáo ốp vào mặt tiền quán bar là hệ thống dây điện cung cấp nguồn chiếu sáng cho bảng quảng cáo vừa chằng chịt, vừa không an toàn. Trong khi đó, mỗi đêm tầng thượng quán bar được sử dụng làm bãi giữ hàng trăm xe máy. Nếu xảy ra hỏa hoạn, lối thoát nạn từ tầng thượng coi như bị vô hiệu hóa. Còn cửa thoát hiểm phía sau quán cũng không có tác dụng bởi hàng hóa chất kín.
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Vinh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh: Sở Văn hóa và Thể thao quản lý về nội dung quảng cáo, Sở Xây dựng thì hướng dẫn các phòng quản lý đô thị quận, huyện việc cấp phép các bảng hiệu quảng cáo gắn vào công trình. Chức năng của các cơ quan quận, huyện là cấp phép và xử lý nếu như các bảng hiệu công trình sai quy định. Cảnh sát PCCC có chức năng kiểm tra các điều kiện về an toàn PCCC. Để kiểm tra, xử lý nghiêm những bảng hiệu quảng cáo không đúng theo quy định, phải kết hợp các lực lượng, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành.
Có thể thấy, để giải quyết triệt để tình trạng này, việc cấp phép quản lý cần bớt rườm rà hơn, thay vì cơ quan này cấp phép nội dung, cơ quan kia cấp phép xây dựng, thẩm định hồ sơ như hiện nay. Kiểm tra chặt chẽ ngay từ đầu vào thì mới tránh được sự nhũng nhiễu, liều lĩnh, tạo cơ hội cho những hành vi cố ý, chây ỳ.
THU HÀ - PHƯƠNG DUNG